Thị trường cơ khí Việt Nam có thể đạt 310 tỷ USD trong 10 năm tới, nhưng năng lực cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí vẫn rất hạn chế.
Mới chỉ đáp ứng từ 15-30% nhu cầu linh kiện cơ khí
Theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam,ngành cơ khí hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 32% so với nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Trong khi đó, theo dự báo sơ bộ, thị trường cơ khí của Việt Nam giai đoạn 2019-2030 có thể đạt 310 tỷ USD, trong đó công trình công nghiệp là 120 tỷ USD; xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỷ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỷ USD; giao thông đường sắt là 35 tỷ USD; tàu điện ngầm là 10 tỷ USD và ô tô là 120 tỷ USD.
Với tiềm năng lớn của ngành cơ khí chế tạo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành này sẽ có cơ hội phát triển mạnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí đang còn khiêm tốn.
Nguyên phụ liệu cho ngành cơ khí chủ yếu là sắt thép và các loại hợp kim màu, hầu hết các nguyên phụ liệu này trong nước chưa sản xuất được nên phải nhập khẩu.
Theo kết quả điều tra của Trung tâm Phát triển doanh nghiệp CNHT, doanh nghiệp Việt Nam mới đáp ứng được 22,5% nhu cầu linh kiện cơ khí trong ngành điện tử, 19,2% linh kiện nhựa – cao su; và chỉ 9,5% linh kiện điện tử chuyên dụng.
Bộ Kế hoạch đầu tư trong một báo cáo gửi tới Hội thảo chuyên đề thúc đẩy phát triển cơ khí Việt Nam cũng đưa ra đánh giá: Liên kết ngành và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành cơ khí Việt Nam còn rất hạn chế.
Cụ thể, trong một số ngành hàng chính của lĩnh vực cơ khí, đã có những sự liên kết sản xuất trong các ngành như ô tô, xe máy. Tuy vậy, sự liên kết này còn rất lỏng lẻo vì phần lớn các nguyên liệu, phụ kiện vẫn phải nhập khẩu.
Chẳng hạn, xét về khả năng cung ứng linh phụ kiện, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của ngành công nghiệp chế tạo, khoảng 15-25% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô, khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và khoảng từ 40-60% cho sản xuất máy nông nghiệp và máy công nghiệp và chỉ khoảng 10% nhu cầu của ngành công nghiệp công nghệ cao.
Về mức độ tham gia vào chuỗi giá trị, khả năng tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị cơ khí còn rất hạn chế.
Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có khoảng dưới 40% doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Phần lớn các doanh nghiệp CNHT trong nước mới chỉ là các doanh nghiệp cung ứng cấp 3, 4 cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Sản phẩm cung ứng chủ yếu là các linh kiện, vật tư đơn giản, có giá trị thấp (bao bì đóng gói, các chi tiết đơn giản, v.v.).
Còn theo khảo sát của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản – Jetro năm 2017, trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ cung ứng được khoảng 39,6% nhu cầu vật liệu, linh kiện cho doanh nghiệp Nhật Bản, phần còn lại là từ các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (46,9%) hoặc các doanh nghiệp nước ngoài khác (13,5%).
Tỷ lệ cung ứng của doanh nghiệp nội địa Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các nước khác (Trung Quốc: 59,5%), Malaysia (49,3%), Indonesia (44,8%), Thái Lan (41,7%). Đáng quan ngại hơn, khảo sát của JETRO cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp cung ứng nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam lại có xu hướng giảm trong giai đoạn 2010-2017 (47,7% năm 2010 xuống còn 39,6% năm 2017).
Cần hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ có hiệu quả
Với bức tranh trên, theo đề xuất của Bộ KHĐT, hệ thốngchính sách hỗ trợ các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện hơn nữa, đặc biệt là chính sách thuế, tín dụng, cơ chế đặt hàng của Nhà nước, kể cả đối với sản phẩm cơ khí quốc phòng, đào tạo nguồn nhân lực hay hàng rào kỹ thuật hợp lý, v.v. giúp cho ngành cơ khí chế tạo trong nước phát triển, kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Các doanh nghiệp cần được đảm bảo nguồn vốn vay dài hạn với mức lãi suất ổn định thông qua các chương trình hỗ trợ, gói ưu đãi phù hợp với các quy định trong nước và cam kết quốc tế.
Cùng đó, việc thúc đẩy liên kết của các doanh nghiệp cơ khí, thông qua các chương trình kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị là những bước đi mang lại nhiều hiệu quả trực tiếp. Khi tạo được mối liên kết này thì các doanh nghiệp CNHT sẽ có thêm cơ hội mở rộng quy mô thị trường, một trong 3 yếu tố mấu chốt để giảm giá thành, cải thiện năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, Bộ KHĐT cũng đề nghị cần xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp cơ khí; triển khai hiệu quả các chương trình kết nối kinh doanh, liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, nâng cao chất lượng thống kê làm cơ sở cho các phân tích, dự báo về ngành.Các doanh nghiệp cơ khí chế tạo cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, xây dựng một triết lý kinh doanh phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế số, có cách đi phù hợp, kết hợp giữa “kế thừa” và “đi tắt đón đầu” một cách hợp lý.
Bộ KHĐT cũng cho biết, với luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017, việc hỗ trợ DNNVV trong đó có doanh nghiệp cơ khí tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị có cơ sở pháp lý và đang được triển khai thực hiện. Với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng sẽ là một bước hoàn thiện cơ chế thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp CNHT nói chung.